Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Bánh Nổ Ngày Xưa

Mỗi độ tháng Chạp về muôn màu thắm tô đất trời, rộn ràng bao âm thanh, hương sắc của những ngày cận Tết. Và khi hoa cúc, hoa mai đã bắt đầu vàng ngõ, không khí xuân gõ cửa xóm làng, những đứa trẻ ngày xưa không khỏi bùi ngùi nhớ đến những hương vị Tết quê. Đó là âm thanh của tiếng nổ khi rang nếp trong những ngày giáp Tết mà bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo này hẳn còn nhớ. Với tôi, âm thanh ấy là hồn quê, là cả một khung trời yêu thương mà mỗi khi tĩnh lặng, tôi vẫn thấy rưng rưng nhớ về tuổi thơ, thương ba mẹ chịu nhiều vất vả, hy sinh để nuôi con khôn lớn, trưởng thành.



Bánh nổ - đúng như tên gọi của nó - “nổ”, nổ từ khi rang nếp cho đến khi đóng bánh vào khuôn. Để làm được miếng bánh nổ giòn tan, thơm thảo, mẹ tôi phải chọn những hạt nếp tròn trịa, chắc mẩy rồi phơi lại một nắng cho thật khô. Mẹ tôi mang ra ngoài đường lộ, nơi có những điểm nhận rang nổ thuê được dựng lên ven đường. Nếp được cho vào cái chảo thật to và rang thật đều. Rang nếp để làm bánh nổ cũng là một nghệ thuật, phải rang làm sao cho nếp chín đều, hạt nổ bung và không được cháy để giữ sắc trắng của nổ. Khi rang nổ, phải đậy chảo rang bằng một cái vung lớn để hạn chế nổ văng ra ngoài. Bọn trẻ con chúng tôi, trên đường đi học về thường xúm xít vào mấy chỗ rang nếp để lượm những hạt nổ văng ra ngoài. Trong cặp đứa nào cũng có một nắm lẫn lộn cả bỏng và vỏ thóc, miệng thì lấm lem nhọ nồi. Một góc trời rộn tiếng lép bép của những hạt nổ, tiếng trẻ con hí hửng reo đùa và cả tiếng la, tiếng dặn dò của mấy chị sao mà yêu thương đến vậy!
Buổi tối những ngày giáp Tết, mấy anh em tôi thường thức rất khuya để coi ba mẹ làm bánh. Nếp được rang xong rồi phải được sàng sảy, nhặt sạch những vỏ thóc còn sót lại rồi cho vào cối đá giã. Kế tiếp nếp nổ được ngào với đường đen thắng gừng, sau đó cho vào khuôn, nén chặt, đóng mạnh “đùng đùng” trên khuôn gỗ. Tùy khuôn của mỗi nhà mà miếng bánh nổ sẽ to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Khi những chiếc bánh nổ đầu tiên được làm ra thơm phức, mấy anh em tôi cứ ngồi đó hít hà, thèm thuồng, suýt soa nhưng không dám đụng đến. Ngoài kia, lác đác đã nghe tiếng pháo nổ đùng đùng vọng từ xóm trên xuống xóm dưới, khỏi phải nói bọn trẻ con chúng tôi háo hức biết chừng nào, cứ mong sao nhanh đến Tết để được ăn những chiếc bánh ngọt ngào, đậm đà chất quê.
Nhưng đó là Tết của ba chục năm trước, còn bây giờ đời sống hiện đại hơn, kinh tế khấm khá hơn, ngày xuân nhà nào cũng thấy bánh mứt làm sẵn với mẫu mã đẹp, đủ loại hương vị. Thế mà cảm giác lại nhạt nhẽo và bình thường. Thèm quá đỗi chiếc bánh nổ của ngày xưa, thèm được nghe tiếng nổ “lép bép” của nếp rang. Thèm ngày đầu xuân nâng chén trà, cắn một miếng bánh nổ giòn tan, nghe trên đầu lưỡi cái dẻo bùi của nếp, vị ngọt thanh của đường quyện trong hương gừng thơm dìu dịu, ta mới cảm nhận hết cái ngon thanh đạm mà vương vấn của thức quà quê giản dị này.
Lê Anh Tuấn